Với người xa xứ, không gì bằng ngày trở về được thưởng thức hết hương quê. Bên chén nước mắm đậm vị truyền thống, những món ngon từ Bắc chí Nam hiện lên rất đỗi thân thuộc.
Ấm lòng với các loại bánh quê: Khi trong hàng quán, lúc theo các bà các cô kĩu kịt cùng gánh hàng rong, các thức quà quê như bánh xèo, bánh cuốn, bánh bèo, bánh bột lọc... đã trở thành một phần tuổi thơ, một vị để nhớ của những người con xa xứ. Trong MV Vị quê nhà, những thức quà này lại càng trở nên thân thương.
Cùng là bột gạo, bột sắn, nhưng dưới bàn tay khéo léo pha trộn của cha ông, hình hài và tên gọi các thức quà ấy lại khác nhau: khi hấp lên sẽ cho ra bánh cuốn mềm mượt, bánh bèo xốp thơm; nếu được nhuộm nghệ, tráng trên chảo gang bóng dầu lại thành bánh xèo vàng ươm.
Nếu hỏi một người con đất Việt “Điều gì làm nên hồn cốt của những món bánh này?”, sẽ không khó để nhận lại câu đáp chắc nịch: “Nước chấm”. Thứ nước được pha từ mắm cá đậm đà, đường hoa mai ngọt dịu, giấm gạo chua thanh chính là chất gắn kết không thể thiếu, giúp mỗi món bánh quê đã ngon lại càng thêm “gây thương nhớ”.
Nếm đủ chua, cay, mặn, ngọt với bún chả: Bún chả Hà Nội từ lâu đã được bạn bè bốn phương ca ngợi, trở thành món nhất định phải thử mỗi lần ghé thủ đô. Càng nức tiếng hơn khi hình ảnh Tổng thống Mỹ Obama bình dị ăn bún chả Việt Nam được phát sóng trong chương trình Parts Unknown (tạm dịch: Những nơi chưa biết đến) trên kênh CNN.
Giống như nhiều món ăn cổ truyền Việt Nam khác, hồn cốt của bún chả chính là nước chấm đậm vị chua - cay - mặn - ngọt. Tìm hiểu cách pha chế nước chấm bún chả đầy kỳ công, thực khách cũng hiểu được phần nào sự cầu kỳ, tỉ mỉ của ẩm thực Hà thành.
Ôn cố tri tân với cơm tấm Sài Gòn: Từ món cơm nấu bằng hạt gạo vỡ của thời lam lũ, nay thêm chút bì, sườn nướng hay chả trứng, cơm tấm được “lên đời” thành món đặc sản phải nếm thử của du khách mỗi khi ghé Sài Gòn. Với nhiều người sành ăn, cơm tấm chỉ ngon khi có chén nước mắm đặt cạnh. Chỉ đơn giản là mắm thêm đường thêm ớt, vậy mà mỗi khi đi xa, người Sài Gòn nào cũng thương nhớ hương vị mộc mạc ấy.
Đủ đầy với nem rán: Từ món ngon chỉ dành cho những dịp lễ Tết, giỗ chạp, nem dần đi vào đời sống thường nhật của người Việt. Tuy nhiên, không phải vì thế mà món ngon này mất đi sự tinh tế và cầu kỳ vốn có. Nem là tổng hòa của đủ loại rau củ, thịt, gia vị. Trong nem tính sơ đã có ngót chục nguyên liệu, chưa kể rau thơm ăn kèm, đặc biệt là hương vị khó quên của nước mắm pha đường, chanh, ớt, tiêu, tỏi.
Người Việt có hàng trăm cách pha nước mắm. Vẫn là mắm với đường, dấm nhưng để pha được một bát mắm ngon, người đầu bếp đã xứng đáng được tôn làm bậc thầy. Chẳng thế mà các bà, các mẹ xưa thử tài con dâu không qua cao lương mỹ vị. Chỉ cần một chén mắm ngon cũng đủ nói lên sự đảm đang của nàng dâu tương lai.
Nức lòng với phở Hà Nội: Nằm trong top 50 món ngon nhất hành tinh do CNN bình chọn, phở được kênh truyền hình này mô tả “có mùi vị rất đặc trưng: vị mát, thanh của sợi, vị ngọt của nước hầm và vị nồng nàn của thịt. Tất cả tạo nên một bản hòa ca độc đáo, chỉ có thể tìm thấy ở đất nước Việt Nam".
Người am tường phở thường kháo nhau rằng, ngoài nguyên liệu chung như quế, hoa hồi, thảo quả..., người ta còn cho thêm nước mía nướng hay nước mắm cốt đặc biệt để nước phở thơm ngon, quyến rũ hơn. Chẳng thế mà bên cạnh những thứ gia vị nhân tạo như bột canh, mì chính, nhiều thực khách sành ăn vẫn tìm về nước mắm để gia giảm cho bát phở thêm đậm đà.
Sơn Trà - Zing
Gửi