Chỉ có người ăn kén khoai chứ khoai mì hấp không bao giờ kén khách, ăn loại nào, kiểu nào vẫn vô tư yêu cầu người bán. Thế nhưng dù cho vào túi nilon hay túi giấy thì chỉ ăn “bốc” mới đúng kiểu ăn khoai mì.

Sài gòn đang vào mùa hạ, đồng nghĩa với những cơn mưa rả rích xuất hiện vào buổi chiều rồi biến mất vào buổi sớm mai. Mưa làm những kẻ yêu phố lười ra đường, mưa kéo người chuộng ăn đêm vào những hàng quán khang trang, mưa ngăn những gánh hàng rong tìm thêm thực khách… Trong cái ẩm ướt đầu mùa ấy, thật bất ngờ khi được người bạn đưa cho túi khoai mì hấp nóng hổi. Đâu phải sơn hào hải vị mà một loáng túi khoai đã hết nhẵn đến từng hạt muối mè.
Khoai sượng và bột
Khoai mì hấp hay còn gọi là luộc không xa lạ với nhiều người. Thuở còn tem phiếu, nó là một loại lương thực không thể thiếu trong bữa cơm nhà nghèo, cơm độn. Thời nay, kinh tế khá hơn, khoai mì trở thành món ăn chơi trong những lúc buồn miệng. Và chỉ có kiểu thưởng thức thế này thì mới thấy khoai mì thật hấp dẫn: chấm với muối mè và cơm dừa bào. Có người thích ăn loại khoai sượng (khoai mì kè). Đó là loại khoai mà khi luộc hay hấp lên vẫn giữ nguyên hình dáng ban đầu, sớ thịt trong trong, cắn vào cảm nhận được độ dẻo và nghe sựt sựt trong miệng. Cũng có người chỉ thích ăn khoai mì bột. Loại này khi hấp xong tinh bột nở ra thường làm cho đầu củ khoai toe ra hình phễu, nhìn vào thấy rõ sợi chỉ khoai trắng đục cong cong nằm ở giữa, nếu ngại nóng mà vẫn muốn cầm củ khoai thì có thể nắm lấy sợi ruột khoai này để thấy độ dính kết khiến chúng không hề rơi xuống.
Nói đến khoai mì hấp là đã thấy hình dáng cái xửng như xửng bánh bao của người Hoa. Xửng khoai mì có khác là không đậy nắp, nắp vẫn để ngỏ mặc cho từng cuộn khói bốc lên. Cứ tưởng nóng lắm không ăn nỗi thế nhưng đem ra khỏi nồi chừng 3 phút là người ăn có thể vừa ăn vừa thổi, tất nhiên khi răng đã ngập trong củ khoai thì phải nhai nhanh lên kẻo phỏng.
Khoai chấm muối mè
Khoai mì hấp ăn với muối mè và cơm dừa khô được nạo sẵn, cũng có người chỉ thích ăn với muối mè. Người bán cầm cái kẹp gắp củ khoai vào túi nilon rồi tiện tay cầm túi muối mè cho vào luôn thể, hoặc rắc cả cơm dừa lẫn muối mè vào một lượt. Dù ăn theo kiểu nào thì dân ghiền ăn vặt vẫn nhớ món chấm đi cùng.
Thức chấm nói đến không gì khác đó là muối mè. Làm muối mè cũng đơn giản nhưng phải trộn thế nào giữa muối, đường, mè (vừng) để sao cho khi ăn với khoai vị không được quá mặn, không được quá ngọt. Dừa khô có thể bào thành sợi hoặc nạo nhuyễn để khi bỏ chung với khoai chúng dễ bám vào từng củ một. Cầm túi khoai hấp đã có dừa nạo, xé bọc muối mè rắc lên cho đều rồi nhón lấy củ khoai bằng hai đầu ngón tay đưa vào miệng, lấy lưỡi khều những hạt mè còn dính trên ngón tay nhằn nhằn trong miệng cảm được vị béo hay hay.
Tuy nhiên có hàng khoai không dùng mè rang mà dùng đậu phộng rang rồi xay nhuyễn nhưng vẫn trộn chung với muối và đường, điều này cho thấy muối và đường là vị chủ lực không thể thiếu được trong món khoai hấp này.
Người ta nói ăn khoai mì dễ nặng bụng, mau no nhưng đói rất nhanh, có lẽ vì vậy mà nó không được chọn là lương thực chính trong ngành nông nghiệp. Nói đến khoai mì là nói đến một chặng đường dài của khó khăn vất vả đã qua. Trong cái lạnh đầu mùa, thói quen ủ củ khoai nóng vào vạt áo thay cho sưởi ấm của con trẻ vẫn còn là nét truyền thống nông thôn. Ngày nay có thể dễ dàng tìm thấy hàng khoai hấp trên các con phố đông người vào buổi trưa hay thấy chúng ở các góc phố gần trung tâm mua sắm ở Sài gòn. Chủ yếu phục vụ cho thú ăn linh tinh của khách bộ hành. Chỉ có người ăn kén khoai chứ khoai mì hấp không bao giờ kén khách, ăn loại nào, kiểu nào vẫn vô tư yêu cầu người bán. Thế nhưng dù cho vào túi nilon hay túi giấy thì chỉ ăn “bốc” mới đúng kiểu ăn khoai mì. Thú vị thật khi trùm áo mưa ngồi sau lưng bạn hay đứng trú mưa dưới hàng hiên nhà ai đó mà trong tay có túi khoai nóng hổi. Vừa ăn vừa nghe tiếng rả rích của mưa đầu mùa, câu chuyện cứ kéo dài cho đến khi đã hết món khoai!
MNVN
Gửi