Trước đây có yến sào giả như trộn lẫn yến thật với những phụ gia rau câu chân vịt, lòng trắng trứng gà, thêm chất tanh của hải sản... nhưng hiện nay không có yến sào giả mà tồn tại yến sào kém chất lượng.
P1: “Thượng vàng hạ cám” thị trường yến sào
Vài năm trở lại đây, các cửa hàng bán sản phẩm yến sào mọc lên nhan nhản khắp nơi, ngay cả các quầy hàng tại các chợ lớn của TP.HCM như: Bình Tây, Bến Thành, An Đông... cũng bày biện đủ loại yến sào được quảng cáo là bổ dưỡng, lợi sức khỏe thu hút người tiêu dùng. Việc mọc lên như nấm, các cơ sở kinh doanh yến sào luôn tỉ lệ nghịch với cơ hội người dân được thưởng thức yến sào cao cấp đảm bảo chất lượng. Xoay quanh vấn đề này, PV báo Nguoiduatin.vn tiến hành tìm hiểu thị trường để làm rõ thực hư.
Nhan nhản yến sào giá rẻ
Yến sào Việt Nam là sản phẩm chất lượng cao trên thế giới, trong đó có yến sào Nha Trang, yến sào Hội An... Ngoài ra, trên thị trường còn có các loại yến sào nhập khẩu từ các nước Malaysia, Thái Lan, Indonesia... với mức giá chừng 20 USD đến 30 USD (từ 4 triệu đến 7 triệu đồng /100gram). Giá yến sào nhập ngoại rẻ vậy là do yến sào nhập có chất dinh dưỡng kém hơn yến sào của Việt Nam. Với sự đa dạng về nguồn gốc như vậy, người tiêu dùng nhiều lúc trở nên "tẩu hỏa nhập ma" mới có thể phân biệt được các loại yến chất lượng.
Trong vai một nhân viên văn phòng cần mua một hộp yến sào cỡ 100 gram để biếu, tôi đến một số quầy hàng yến sào ở chợ Bến Thành. Khi đưa ra yêu cầu, chủ sạp hàng TH nhanh nhẩu đưa cho tôi xem một số loại yến sào khác nhau, yến màu trắng (bạch yến), yến huyết, yến đã qua chế biến thành từng lọ đóng gói trong một hộp lớn. Giá mà chủ hàng TH đưa ra là yến trắng chưa qua chế biến 4, 5 triệu, yến huyết 5 triệu, yến đã qua chế biến thì một hộp 8 lọ 430.000 đồng.
Các sợi lông chim yến được tỉ mẩn gắp ra khỏi tổ yến
Nhìn qua chỉ là một hộp nhựa có chứa tai yến bên trong và được dán băng dính xung quanh. Tôi không thấy bất cứ một thông tin gì về sản phẩm, không dán nhãn mác hay ghi hạn sử dụng. Đem thắc mắc này hỏi chủ hàng thì ngay lập tức được trả lời: "Yến cao cấp, khỏi lo giả. Hàng không dán nhãn là do nhà tự làm, mua đi chị giảm giá cho". Nói xong chủ hàng đưa 3 ngón tay thể hiện nếu mua sẽ được giảm 300.000 đồng.
Lấy lý do cần phải về thương lượng với ông xã, tôi tiếp tục đi hỏi thăm một sạp hàng khác. Một chị chừng gần 40 tuổi nghe thấy tôi cần mua yến sào thì vui vẻ nói có biết một chỗ quen bán yến sào chất lượng lắm, nếu thích thì chị sẽ hướng dẫn cho. Tôi gật đầu đồng ý và được chị này dẫn đi vòng vèo qua mấy con hẻm nhỏ, tới thẳng một sạp hàng tên BN với vô số chữ tiếng Hoa chi chít trên bảng hiệu.
Nghe tiếng gọi có người mua hàng, bà chủ đang nằm dưới sàn xi măng nhỏm dậy kéo tôi vào trong gian hàng chật hẹp chỉ cỡ 2m2. Bà chỉ tay lên kệ gỗ cao, phải ngước lên mới nhìn thấy vô vàn các loại yến sào được chất chồng lên nhau, có loại chỉ bỏ vào trong một túi nilon thật to, có loại thì đã đóng hộp đàng hoàng. Bà bảo tôi muốn mua loại nào cứ chỉ bà sẽ lấy xuống cho xem.
Đưa ra mục đích muốn mua loại yến chưa qua chế biến để tặng cho sếp làm quà dịp cuối năm, bà lấy xuống một hộp yến huyết và một hộp yến trắng. Với giá một hộp 100gram yến huyết 3, 8 triệu, yến trắng 3, 6 triệu đồng, bà chủ niềm nở có thể bớt cho tôi mỗi loại 200.000 đồng. Tôi gặng hỏi muốn mở ra cho xem tai yến bên trong thì bà không cho, nói là đã đóng gói kỹ càng rồi, không cần thiết phải xem gì cho mệt. Khi được hỏi ở đâu sản xuất thì bà nói ở nhà bà có cơ sở sản xuất, có gì không hài lòng có thể đem ra cửa hàng đổi. Khi hỏi cơ sở sản xuất ở đâu thì bà tỏ ý khó chịu không nói.
Tiếp tục tìm đến một cửa hàng yến sào rất lớn trên đường Lê Văn Sỹ, quận Tân Bình, một nhân viên cửa hàng cho tôi biết, yến trắng nhà là 5, 4 triệu, yến trắng đảo là 7, 6 triệu, riêng yến huyết cũng 7, 6 triệu cho một hộp 100 gram. Như vậy, giá cả của các nơi bán cùng một loại yến lại khác nhau một cách rõ rệt. Tất cả những nơi bán đều tiếp thị sản phẩm thật, cao cấp, bổ dưỡng. Thế nhưng yến sào nào mới là yến sào đảm bảo chất lượng và xứng với giá trị đồng tiền mà người tiêu dùng bỏ ra thì đang còn nhiều điều phải kiểm chứng.
Thật giả khó lường
Hiện nay yến sào không phải là thực phẩm quá xa lạ với người dân Việt Nam. Những cửa hàng nhan nhản khắp các tuyến đường chỉ để đáp ứng nhu cầu ẩm thực được thỏa mãn của giới nhà giàu. Có những loại yến sào được mua đến hàng chục triệu nhưng hóa ra lại là yến sào dởm.
Chị Trần Thị Xuân Hòa, một chuyên gia am hiểu sành sỏi các sản phẩm yến sào cho biết: Trước đây có yến sào giả như trộn lẫn yến thật với những phụ gia rau câu chân vịt, lòng trắng trứng gà, thêm chất tanh của cá và hải sản... nhưng hiện nay hầu như không có yến sào giả mà chỉ tồn tại yến sào kém chất lượng. Yến tốt thì để 3, 4 năm cũng không sao, còn nếu yến mua được một thời gian ngắn đã bị mốc là loại yến kém chất lượng. Có thể phân biệt yến tốt bằng cách nhìn sơ qua thấy yến khô và không bị mốc, nếu yến kém chất lượng thì sẽ ẩm và bị độn đường. Với yến huyết sẽ có màu tự nhiên đỏ tươi, sợi gồ ghề chứ không phẳng lì, ngửi sẽ thấy mùi tanh tanh tự nhiên. Các loại yến huyết kém chất lượng thì ngược lại có màu đỏ thâm đen, tai yến phẳng lì và mùi tanh nồng.
Chị Hòa đưa cho tôi hai tai yến huyết, một tai yến huyết thật và một tai yến huyết giả. Tôi nhìn thấy sự khác biệt rõ rệt về màu sắc và mùi vị. Đối với yến huyết hay là các loại yến khác như bạch yến (yến nhà, yến đảo) cũng có cách phân biệt tương tự. Cầm hộp bạch yến nhà 100 gram chị cho hay chúng có giá 5, 5 triệu, bạch yến đảo thì có giá 9 - 15 triệu, riêng yến huyết chỉ có ở đảo là do máu con yến nhả ra nên giá trị dinh dưỡng cũng cao hơn mấy loại yến khác nên giá cả cực kỳ cao, trên 20 triệu đồng.
"Hiện nay có những cửa hàng, chợ bán yến sào với giá rất rẻ, dưới 5 triệu đồng cho 100gram, với loại yến sào thật, yến sào cao cấp thì không thể có giá đó", chị Hòa nói thêm. Về cách phân biệt yến sào thì sau khi chưng nở, yến dởm thường có mùi hăng, vị nồng của đường và tan ra thành nước. Đây là cách dễ dàng để phân biệt, nhưng nếu mua ở cửa hàng người ta không cho thử nên chỉ còn cách nhìn và kiểm tra thật kỹ để tránh bị nhầm lẫn.
"Nếu nhìn vào giá cả để phân biệt thì cũng không nên vì người bán cũng có thể hét giá lên cao", chị Hòa cẩn trọng cho hay. Tôi đem chuyện yến sào kém chất lượng tới hỏi ông Huỳnh Lê Thái Hòa, chi cục trưởng Chi cục vệ sinh an toàn thực phẩm TP.HCM thì ông cho biết: "Đây là hành vi gian lận thương mại, lừa dối người tiêu dùng và cần phải xử lý theo Luật thương mại theo Pháp luật Việt Nam".
Bài học đắt giá vì sự nhầm lẫn khi mua phải yến sào giả Trong một lần đi tìm thông tin yến sào tại cửa hàng bán yến sào ở đường 3 tháng 2, tôi gặp chị Nguyễn Thị Chu Anh, nhân viên kế toán của một công ty xây dựng ở quận 1. Chị Anh cho biết, chị thường đi mua yến sào về tẩm bổ cho mẹ chồng bị bệnh suy thận ở nhà. Nghe nói yến sào nổi tiếng về giá trị dinh dưỡng và quý giá, rất tốt cho sức khỏe người già nên dù đắt đỏ một chút chị cũng thấy đáng đồng tiền bát gạo. Lần đầu mua về dùng chưa được vài tháng, các tai yến đã bị mốc, nổi đường. Kinh nghiệm lần sau, khi đi mua chị lựa chọn thật kỹ săm soi từng tai yến, về nhà sau khi chưng đường phèn các sợi yến bị tan ra thành nước, trong chén chỉ lác đác vài sợi yến lẻ tẻ. Hỏi những chuyên gia thường dùng yến sào chị mới vỡ lẽ là mình mua hàng dởm, kém chất lượng. Thế là lần sau khi đi mua chị dẫn theo một người bạn sành sỏi về yến sào, đúc rút kinh nghiệm chị không mua nhiều chỉ chừng 50 gram về dùng thử, thấy chén yến sau khi chưng, thu được rất nhiều sợi yến. Lúc này chị mới an tâm, tìm mua với số lượng lớn. Chị Chu Anh sau mấy lần mua đã nghiệm ra rằng: "Khi mua yến sào nên tìm hiểu kỹ các loại yến, cách phân biệt yến sào hoặc nếu không chắc chắn thì nên nhờ đến các chuyên gia. Sự thực thì để phân biệt được yến sào có thể chỉ bằng cách nhìn, ngửi, bên cạnh cách ngâm và chưng cất". |
Kỳ tới: Mánh khoé loè khách hàng với nhung hươu dởm
Theo Hiền My
Người đưa tin
Gửi